Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Cây lớn nhanh phi thường


Được trồng từ năm 1987 nhưng cây thùa trong vườn một vợ chồng ở Anh luôn chỉ là một cây bụi thấp bé. Nhưng đột nhiên, sau 2 tháng đi nghỉ, cặp đôi trở về nhà và ngỡ ngàng nhìn thấy cây bỗng cao gần 8m.

Ông Mike, 80 tuổi và bà Heather, 74 tuổi, đi nghỉ từ ngày 9/6. Khi đi, cây thùa này vẫn chỉ là một cây bụi. Nhưng sau 2 tháng vắng mặt, lúc trở về, đôi vợ chồng già không tin nổi vào mắt mình. Cây thùa đã vươn cao chót vót, hơn cả nóc nhà họ.

Được trồng suốt 23 năm qua nhưng cây thùa này luôn thấp bé và rất đỗi bình thường, vì vậy ông bà Mike đã định nhổ nó đi. "Tôi rất vui sướng vì đã không làm vậy", bà Heather chia sẻ.

Theo Mirror, cây thùa có nguồn gốc từ Mexico và thường mất khoảng 70 năm mới nở hoa. Các chuyên gia nói rằng, mùa đông ấm áp ở Anh đã giúp cây thùa nở hoa sớm như vậy. Tổ chức Làm vườn Hoàng gia cho biết: "Cây thùa này đã tích trữ năng lượng hàng chục năm qua và khi đủ, nó lớn vọt lên thành cây khổng lồ. Sau khi sử dụng tất cả năng lượng, nó sẽ chết".

Hoài Vũ


Tập huấn kỹ thuật thâm canh cây ăn quả và chăn nuôi theo tiêu chuẩn GAP


Tiến sĩ Bùi Sĩ Tiếu, Phó chủ tịch Trung ương Hội làm vườn Việt Nam phát biểu tại hội nghị. KTNT- Sáng 17/8 tại Khu du lịch Đại Nam tỉnh Bình Dương, Hội Làm vườn Việt Nam đã khai mạc lớp tập huấn “ Kỹ thuật tập huấn kỹ thuật thâm canh cây ăn quả và chăn nuôi theo tiêu chuẩn GAP”.

Đến tham dự buổi tập huấn có GS.TS Ngô Thế Dân, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam; Tiến sĩ Bùi Sĩ Tiếu, Phó chủ tịch Trung ương Hội làm vườn Việt Nam; TSKH Hà Minh Trung, Trưởng ban quản lý dự án Trung ương Hội làm vườn Việt Nam; TS Võ Mai, Phó chủ tịch Trung ương Hội phụ trách chi nhánh miền Nam và ông Nguyễn Tiến Chương, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế nông thôn cùng lãnh đạo HLV tỉnh Bình Dương và một số tỉnh thành khác.

GS.TS Ngô Thế Dân, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam trao đổi chuyên đề tại Hội nghị.

Tại buổi tập huấn, hội viên HLV sẽ được các giảng viên chia sẻ, trao đổi các kỹ thuật, phương pháp và cách ứng dụng quy trình sản xuất Viet Gap trong thực hành chăn nuôi tốt cho gia cầm và trồng cây ăn quả.

Bên cạnh đó, tham gia khóa tập huấn, các thành viên còn có cơ hội tham gia các buổi thảo luận, tham quan các mô hình sinh thái trang trại.

Viet Gap là quy trình thực hành nông nghiệp tốt ở Việt Nam, theo đó sẽ xây dựng các chuỗi giá trị cho nông nghiệp an toàn và hiệu quả. Buổi tập huấn sẽ diễn ra trong 2 ngày từ 17-18/8/2010.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương HLV VN chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Hội nghị.

Tin và ảnh: Khắc Dzũng


Lâm Đồng: Cả cánh rừng thông giống bị ngã đổ


(LĐ) - Sáng 15.8, mặc dầu là ngày chủ nhật, nhưng một số cán bộ chuyên môn của Cty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên (Đà Lạt, Lâm Đồng) vẫn phải đến hiện trường thông ngã đổ để làm nhiệm vụ.

Dẫu sự can thiệp của chủ rừng như thế là khá kịp thời, nhưng dường như vẫn không thể chặn được lòng tham của một số cá nhân trong khu vực trước những cây thông nằm chỏng chơ bởi cơn lốc bất ngờ vào đêm 13 rạng sáng ngày 14.8.

Sáng 15.8, PV Lao Động cùng với một số cán bộ của Cty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên (trụ sở đóng trên đường Hùng Vương, Đà Lạt) có mặt tại khu vực rừng thông giống bị thiên tai gây thiệt hại nói trên, thuộc Tiểu khu 152, thôn Xuân Thành, xã Xuân Thọ, TP.Đà Lạt. Đây là một trong những khu rừng thông nguyên sinh do Cty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên quản lý. Điều gây ngạc nhiên là ngay sau khi xảy ra trận lốc, cán bộ chuyên môn của đơn vị và cả chính quyền địa phương đã cắt cử người canh giữ, nhưng chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, rất nhiều cây thông ngã đổ nói trên đã bị cưa trộm.

Ông Ngô Sỹ Sung – GĐ Cty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên - cho biết: “Mặc dầu là ngày thứ bảy, nhưng ngay từ rạng sáng ngày 14.8, anh em chúng tôi đã có mặt tại hiện trường ghi nhận sự việc và phối hợp với chính quyền cùng nhân dân địa phương tìm cách quản lý, cắt cử người canh gác. Theo ước tính sơ bộ, có khoảng 300 cây thông lớn (đường kính gốc trên dưới 25cm) bị tróc gốc hoặc bị gãy ngang thân ngã đổ trên chiều dài vài cây số, bề ngang khoảng 800m nơi cơn lốc thổi qua”.

Chính quyền xã Xuân Thọ cho biết thêm: Ngoài mấy trăm cây thông giống rừng nguyên sinh bị ngã đổ, nơi cơn lốc đi ngang qua còn làm cho nhiều diện tích hoa màu của người dân bị thiệt hại; đặc biệt, một trong hai con bò mới mua bằng vốn vay của anh Mai Lê Điền Can – người làm vườn trong khu vực – bị thông đổ đè chết. K’Rích - người làm vườn của anh Can - nói: “Cơn lốc đi qua nhanh lắm, chỉ chưa đầy 10 phút, nhưng đã làm cho cả 1ha nhà kính (canh tác rau hoa cao cấp) của anh Can bị tốc mái, ngã đổ. Chiếc xe tải nhẹ của ông Phùng trong xã này cũng bị thông ngã đè bẹp rúm phần đầu. Rất may không có thiệt hại về người”.

Tại hiện trường, ông Nguyễn Duy Mùi – Phó GĐ Cty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên – cho biết thêm: “Ngày hôm qua, chúng tôi vào đây chỉ mới kịp bàn với chính quyền địa phương về công tác bảo vệ và cắt cử người canh gác; đến sáng nay, công việc đo kiểm số thông bị ngã đổ mới được tiến hành và có lẽ công việc này sẽ được hoàn tất vào chiều tối ngày hôm nay”.

PV đặt câu hỏi: “Có người canh gác, bảo vệ, sao thông đổ vẫn bị cưa trộm?”, anh Bùi Xuân Tám – nhân viên của Tổ quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 152, người trực tiếp có mặt trong vai trò bảo vệ hiện trường từ chiều ngày 14 đến sáng ngày 15.8 - cho biết: “Chiều 14.8, sau hơn 4 giờ, anh em ai cũng mệt và đói nên cùng nhau ra ngoài ăn cơm rồi sau đó vào phân công nhau thức canh cả đêm. Chắc là lúc anh em đi ăn cơm, dân họ vào cưa xẻ”. Theo quan sát, phương tiện mà kẻ gian dùng để cắt gỗ hầu hết là cưa máy cầm tay.

Khắc Dũng


Bao giờ xã Hương Long mới trả lại đất cho ông Phan Xuân Huấn?


Năm 1989, ông Phan Xuân Huấn, đang làm Giám đốc Lâm trường trồng rừng Hương Khê (Hà Tĩnh), có đơn xin cấp đất làm vườn và nhà ở gửi Ban Giám đốc Lâm trường.

Ngày 1 - 10 -1989, sau khi bàn bạc thống nhất trong Ban Giám đốc và Công đoàn, Phó Giám đốc Lâm trường, ông Nguyễn Văn Tường đã phê duyệt và thống nhất "quy hoạch cho đồng chí Huấn 1.200m2 đất làm vườn và dựng nhà ở, tại vị trí cạnh phân xưởng, sát đường 15B…". Năm 1998, 800m2 trong tổng số 1.200m2 đất của ông Huấn đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất. Còn 400m2 đất chưa được cấp sổ đỏ là đất nằm trên khu vực của phân xưởng mật - rượu đã thanh lí giao lại cho gia đình ông Huấn sử dụng và quản lí. Tuy nhiên, do nhu cầu cấp bách phải có nơi gửi trẻ cho cán bộ, công nhân viên của Lâm trường, ngày 15-10-1995, tại nhà ông Phan Xuân Huấn, các ông Lưu Văn Quang, Trưởng phòng Kế hoạch, bà Phan Thị Yến, Trưởng phòng Tài vụ và ông Phan Xuân Huấn chủ gia đình đã bàn bạc, thống nhất quyết định tại "Biên bản làm việc" rằng: Thực hiện chủ trương của Ban Giám đốc sửa chữa lại kho đựng mật của phân xưởng sản xuất mật - rượu để làm nhà trẻ cho khu vực Văn phòng và Đội nông nghiệp… Trong thời gian chưa có địa điểm mới để xây dựng nhà trẻ, ông Phan Xuân Huấn tiếp tục cho nhà trẻ sử dụng đất của ông để làm nhà giữ trẻ. Khi có địa điểm mới, nhà trẻ sẽ di chuyển và trả lại đất cho gia đình ông". Vì thế, 400m2 đất đó của ông Huấn chưa được cấp sổ đỏ.

Ngày 26-2-2010, ông Trần Thanh Long, Giám đốc Công ty Cao-su Hương Khê, Hà Tĩnh (trước đây là Lâm trường Hương Khê) đã xác nhận "Theo chủ trương bàn giao Trường mầm non cho Phòng Giáo dục huyện. Hiện tại trường đã có địa điểm mới và học sinh đã chuyển về trường mới để học, thực hiện cam kết đã ghi trong "Biên bản làm việc" ngày 15-10-1995, nay trả lại mặt bằng khu đất trên (400m2), cho gia đình ông Phan Xuân Huấn".

Thiết tưởng, quyền sử dụng và quản lí 400/1.200m2 đất được Lâm trường cấp cho ông Phan Xuân Huấn là quá rõ ràng, minh bạch và hoàn toàn hợp pháp. Bởi, diện tích 1.200m2 đất của ông nằm trong khu vực đất đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt là đất "quy hoạch đất dân cư cho các hộ làm nhà ở" (Quyết định số 122/QĐ-UB ngày 4-10-1993 do ông Nguyễn Hoàng Trạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kí). Tại Điều 2 của Quyết định này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh còn giao nhiệm vụ cho "UBND huyện Hương Khê, Giám đốc Lâm trường xét duyệt quy hoạch cho các hộ, làm thủ tục quản lí đất…".

Vậy không hiểu vì lí do gì và xuất phát từ động cơ nào mà khi trường mẫu giáo chuyển địa điểm về cho huyện quản lí thì UBND xã Hương Long lại giữ lại 400m2 đất của ông Huấn, trước đây đã cho Lâm trường mượn làm nhà trẻ? Cần nhớ rằng, những năm 1994 - 1996, khi còn làm Giám đốc Lâm trường, chính ông Phan Xuân Huấn, với tấm lòng nhân hậu của một người cha, người ông và trách nhiệm của một giám đốc trước tương lai của thế hệ trẻ, đã nhiệt tình, sốt sắng cho mượn đất và đích thân chỉ đạo các phòng, ban của Lâm trường lấy đất của ông để mở rộng nhà trẻ cho các cháu học hành.

Lẽ ra, khi trường mẫu giáo được chuyển về huyện quản lí, UBND xã Hương Long phải cảm ơn lòng tốt của ông Phan Xuân Huấn. Nhưng ngược lại, Chủ tịch UBND xã Hương Long lại dùng "thủ thuật" và "mẹo vặt" tách hộ (các con của ông Huấn), để nói ông Huấn đang sử dụng "quá diện tích" đăng kí nhằm tước đoạt quyền sử dụng 400m2 đất hợp pháp của ông! Đó là điều không thể chấp nhận được. Trong khi quyền sử dụng 400m2 đất của ông Huấn chưa được làm rõ thì hiện nay UBND xã Hương Long đã cho một hộ nào đó đặt giường và đồ đạc vào trong căn nhà tạm trên mảnh đất 400m2 của ông Huấn? Liệu đằng sau việc làm đó của xã Hương Long có gì khuất tất, mờ ám không?

Trước yêu cầu và khiếu nại chính đáng của ông Phạm Xuân Huấn, theo chỉ đạo của UBND huyện, Thanh tra huyện Hương Khê đã có Công văn đề nghị Chủ tịch UBND xã Hương Long xem xét, giải quyết báo cáo kết quả về UBND huyện và trả lời gia đình ông Phan Xuân Huấn trước ngày 10-7-2010. Tuy nhiên, hơn 1 tháng đã trôi qua, lời thỉnh cầu của ông Huấn và ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Hương Khê vẫn rơi vào im lặng đáng sợ. Không biết đến bao giờ xã Hương Long mới trả lại quyền sử dụng hợp pháp 400m2 đất cho gia đình ông Huấn?

Lê Hữu Quế


Tiến đến VietGAP trong sản xuất nông nghiệp


PCT Thường trực Ngô Thế Dân đang hướng dẫn các học viên. KTNT - Để tiến đến VietGAP trong sản xuất nông nghiệp trong tương lai, sáng nay (13/8), tại Đồng Tháp, Trung ương Hội làm vườn Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật thấm canh cây ăn quả và chăn nuôi trong mô hình VAC theo tiêu chuẩn GAP” khuyến nông VAC 2010 cho hơn 30 cán bộ và Hội viên Hội làm vườn Việt Nam ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Lớp tập huấn sẽ diễn ra trong 2 ngày kết hợp với chương trình tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi theo tiêu chuẩn GAP trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Phó chủ tịch thường trực Trung ương HLV Việt Nam – Ngô Thế Dân, Phó chủ tịch Trung ương HLV Việt Nam – Bùi Sĩ Tiếu, GS.TS. Hà Minh Trung đã lần lượt trình bày, giới thiệu quy trình GAP trên cây ăn quả, gia cầm, trên rau,… để tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu hiện nay. Các bước thực hiện, thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận VietGAP giúp cho hội viên có thể nắm rõ các bước thực hiện để đăng ký theo đúng quy định.

GS.TS. Hà Minh Trung đã lần lượt trình bày, giới thiệu quy trình GAP

trên cây ăn quả, gia cầm, trên rau,…

Lớp tập huấn còn giới thiệu về thị trường tiêu thụ cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, và tạo điều kiện cho các học viên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, những khó khăn vướng mắc về kỹ thuật, quy trình thực hiện GAP được giải đáp kịp thời .

Nguyệt Ánh


Nghề nuôi ong mật ở Bến Tre


Có một nghề chăn nuôi mà nhà vườn không phải tốn thức ăn, lại cũng không mất thời gian và công sức chăm sóc, đó là nuôi ong mật. Hiện nay, nhiều nhà vườn ở Bến Tre đã chú ý tới công việc này.

Chỉ 40 thùng ong mật, mỗi tháng ông Xuân thu nhập 3 triệu đồng.

Ông Trần Thành Xuân, ấp Phú Khương, xã Phú Túc, huyện Châu Thành (Bến Tre), nói về công việc này như sau: “Ở vườn, ai cũng có vài công vườn trồng cây ăn trái; nhưng không hiểu sao họ không để vài chục thùng ong mật cho vui nhà, vui cửa”. Thật ra, ông Xuân nói nuôi ong mật cho vui thì cũng có lí. Vì chỉ cần ngồi quan sát một lát là ta có thể cảm nhận tiếng đập cánh bay đi bay về của chúng và thấy được hoạt động nhộn nhịp của xã hội loài ong. Nhưng cái đáng nói hơn là mỗi tháng, 40 thùng ong mật cũng mang về được cho gia đình ông Xuân không dưới 40 lít mật. Hiện nay, bình quân một lít mật cũng trên dưới 70.000 đồng. Tình thành tiền thì mỗi tháng, ông cũng kiếm được khoảng 3 triệu đồng mà dân mua mật tìm đến tận nhà để mua và nguồn mật cũng không đủ cung cấp.

Có hai giống ong được được dân nuôi ong mật chọn nuôi là ong nội địa, còn gọi ong Ấn Độ và ong của Ý. Ong nội địa con to khoảng gấp 2 - 3 lần con ruồi, còn ong Ý thì to hơn nội địa. Ong Ý cho nguồn mật nhiều hơn; nhưng những tháng mưa hoặc những tháng không vào mùa cây trái, thì nuôi ong Ý phải cho ăn dậm nước mật, vì chúng lớn con; riêng ong nội địa thì không cần vì nguồn mật chúng hút từ những vườn cây coi như đã đủ.

Để gầy một thùng ong bình quân chỉ mất 5, 6 tháng. Ban đầu một thùng ong 3 kèo có giá đầu tư khoảng 350 ngàn đồng/thùng. Sau khoảng thời gian gầy đàn, nếu điều kiện môi trường tốt, nắng tốt, mùa cây trái ra hoa thì chúng có thể phát triển lên 5, 6 kèo, thậm chí 7, 8 kèo và có thể tách đàn. Điều kiện tách đàn là phải có ong đực để ong chúa tạo “mũ tướng”. Chính mũ tướng đóng dưới kèo này sẽ nở ra ong chúa làm cơ sở tạo đàn mới. Ông Xuân cho biết thêm: “Với giá mật hiện nay, chỉ cần nuôi thành công một năm là có thể lấy lại được vốn. Như trường hợp của ông thì với 2 năm nuôi ong mật, ông đã có lời và nâng được số đàn ong nuôi nhiều lên.

Mật ong được nuôi bằng nguồn mật tự nhiên thường ngọt và thơm và có thể trữ được lâu. Thường mật có màu vàng cam là mật đã chín. Dấu hiệu mật chín được nhận biết bằng những lỗ chứa mật đã được trám nắp. Lúc ấy, mật không còn lẫn nước và có mùi thơm theo hương tự nhiên, tùy thuộc vào mùi hoa trái. Thông thường, ong đi lấy mật từ nhãn, dừa, chuối, cam, bưởi, và nhiều loại cây trái khác trong vườn. Tầm hoạt động của chúng cũng khá xa, có bán kính tới 3 km.

Ong cũng có thể bị bệnh và gây thiệt hại cho đàn, cho việc chăn nuôi. Nhưng nếu phát hiện sớm thì không phải lo ngại lắm. Ông Xuân cho biết, thường ong chỉ có 2 bệnh phổ biến là bệnh thối ấu trùng và bệnh chí đeo thân ong. Bệnh thối ấu trùng làm cho trứng, ong non chết, không phát triển được. Nếu phát hiện trễ, bệnh sẽ lây và có thể gây thiệt hại cho đàn khác. Trong trường hợp này, phải tiêu hủy đàn ong hoặc cách li, mà cách li thì chắc là khó. Còn nếu phát hiện sớm thì chỉ cần cho ong uống mật có pha ít thuốc kháng sinh như “strep-tô” hoặc “pê-ni” thì sẽ khỏi. Bệnh chí đeo ong làm cho ong lờ đờ, kém hoạt động. Để trị bệnh này, ông Xuân dùng biện pháp xông lưu huỳnh để dưới thùng ong và chỉ cần một đêm là có thể loại trừ được chí bám khỏi thân ong.

Kinh tế làm vườn, nếu chỉ dựa vào trồng trọt thì không thể đủ cho nhu cầu cuộc sống, trừ phi vườn đất nhiều, lại trồng những cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Nhưng dẫu có vậy, việc nuôi ong cũng không làm trở ngại công việc làm vườn; trái lại, còn tạo được thu nhập hàng tháng và có thêm nguồn thực phẩm bổ dưỡng cung cấp cho gia đình, thì sao nhà vườn không tìm cách để gây dựng vườn ong cho gia đình như ông Xuân và nhiều người trong xã Phú Túc cũng như các xã khác trên địa bàn Bến Tre đã và đang làm.


Thị trường tiêu thụ ngay vườn nhà


Trước đây, khi rảnh rỗi hoặc cuối tuần, người dân TP HCM lại kéo về Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương) để hóng mát, vui chơi với điểm đặc biệt là khách có thể tự hái trái cây thưởng thức ngay trong vườn.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 10 năm trước. Từ khi các vườn cây Lái Thiêu không còn hấp dẫn du khách do kiểu kinh doanh chụp giựt, nhiều nông dân Củ Chi - TP HCM nhanh chóng học hỏi mô hình du lịch sinh thái vườn của chính Lái Thiêu, để phục vụ khách thành phố.

Thu nhập tăng gấp 5 lần

“Trước đây tui trồng mía nhưng hiệu quả không cao. Một lần lên Bình Phước tham quan vườn ổi không hạt của ông Yu (người Trung Quốc), thấy ham quá, tui về đốn mía trồng 1.000 gốc ổi không hạt. Giờ cuối tuần là vườn tui đón không dưới 200 lượt khách mỗi ngày đến ăn uống, nghỉ ngơi. Làm vườn bình thường thì thu nhập chừng 20 triệu đồng một tháng cho cả 5.000 m2. Nhưng làm vườn sinh thái kiếm được tới 100 triệu đồng. Thu nhập của gia đình tăng lên gấp 4 - 5 lần trước đây”, ông Nguyễn Văn Phích, chủ vườn ổi không hạt ở ấp An Hòa, xã Trung An khoe.

Vườn nhà bà Nguyễn Thị Tìa với diện tích khoảng 10.000 m2 là một trong những khu vườn sinh thái “hoành tráng” nhất xã Trung An. Vườn trồng đủ loại chôm chôm, măng cụt, mít, xoài, dâu, ổi không hạt... Bà Tìa cho biết vào cuối tuần, vườn bà đón khoảng 500 lượt khách mỗi ngày, giá vé dao động từ 35.000 đến 50.000 đồng một người. Mua vé xong, khách có thể hái trái cây, ăn uống và nghỉ ngơi cả ngày trong vườn. Chủ vườn cũng sẵn sàng phục vụ các nhu cầu ăn uống khác theo yêu cầu của khách. Nếu ai thích câu cá thì sẵn cá trong ao, câu xong chủ vườn chế biến miễn phí. Ai thích nằm chiếu thì cho mượn chiếu, ai khoái đung đưa ngắm trời mây non nước thì cho mượn võng. Sự hào sảng, hiếu khách của nông dân vùng đất thép này chính là điểm thu hút khách.

“Khu du lịch sinh thái ở mấy nơi khác không thiếu, nhưng tôi thích tới vườn Hai Huệ ăn chôm chôm, nằm trên võng đung đưa nghe cô Lan kể chuyện chạy giặc, đánh giặc, mở đất lập vườn...”, chị Ngọc, nhân viên văn phòng quận 3, khách “ruột” của vườn sinh thái Hai Huệ, cho biết.

Thị trường ở ngay vườn nhà

Hai năm qua, kể từ khi Tổ cây ăn trái xã Trung An được thành lập (tháng 5/2008), các hộ dân đã không ngừng đầu tư nâng cấp vườn cây, xây dựng mô hình vườn sinh thái kiểu mẫu song song phục vụ du lịch. “Mấy năm trước, trái cây bán rẻ như cho. Chôm chôm, mít tố nữ, sầu riêng, mãng cầu… thương lái không mua, trái chín rụng thối cả gốc cây. Bây giờ, du khách tự tìm đến vườn. 80% sản phẩm trái cây của vùng này bán cho khách du lịch. Làm vườn theo mô hình sinh thái này, nông sản ở xã Trung An được tiêu thụ hết, với giá cao nữa”, ông Huỳnh Văn Huệ, Tổ trưởng Tổ cây ăn trái xã Trung An cho biết.

Sau bao năm lận đận với từng gốc cây, ao cá; nông dân xã Trung An đã tìm được thị trường ngay trên mảnh đất nhà mình. Theo ông Huệ, từ 12 tổ viên ban đầu với 10 ha vườn, đến nay đã có 46 thành viên với diện tích cây ăn trái hàng năm đang thu hoạch khoảng 80 ha, trong đó gần 32,5 ha vườn theo mô hình sinh thái kiểu mẫu, trồng các loại chôm chôm, măng cụt, dâu, sầu riêng, mít... Mô hình thành công này đang tiếp tục được nhân rộng tại huyện Củ Chi.

Phong Khê